Từ 6-8/2/2018 tại Nay Pyi Taw, Myanmar đã diễn ra Hội thảo Viện Kinh tế Xanh ASEAN (AIGE). Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương đã dự và chủ trì một phiên thảo luận tại Hội nghị này.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao Myanmar và các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin, Bộ Giao thông và Viễn thông, Bộ Điện lực và Năng lượng phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á; UNDP…. Chủ tọa và diễn giả các phiên họp là những quan chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu của Myanmar, các nước ASEAN, ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Trợ giúp Nhân đạo và Thảm họa ASEAN và một số nước đối tác là Trung Quốc và Ấn Độ. Phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe đã dự phiên khai mạc Hội nghị.
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề thế giới nói chung, ASEAN nói riêng, đang phải đối mặt, như hiện tượng dân số gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên…. Hội thảo đã đưa ra các đề xuất kiến nghị hướng tới mục tiêu Thiết lập một ASEAN xanh, sạch, phát triển nền kinh tế bền vững vào năm 2020, trong đó, có chính sách hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nước ASEAN cũng như ASEAN với các nước đối tác, cho việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn năng lượng...
Trong khuôn khổ Hội thảo, Đại sứ Luận Thùy Dương đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề "Khả năng xây dựng, đào tạo, nghiên cứu giáo dục cho Kinh tế xanh, giảm nhẹ và phục hồi các thảm họa".
Tại phiên thảo luận, Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ, khái niệm kinh tế xanh không chỉ liên quan đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà còn liên quan tới sức khỏe cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực với nhiều khía cạnh khác của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Kinh tế xanh cũng là mục tiêu chung mà nhiều quốc gia cùng hướng tới. Tuy nhiên, Đại sứ cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu này, các quốc gia cần phải có những hành động cụ thể.
Đặc biệt, Đại sứ lưu ý, trong nỗ lực phát triển kinh tế xanh, các quốc gia nên có chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, tránh thảm họa môi trường và không nên để ảnh hưởng đến sự phát triển của các nước láng giềng có sử dụng chung nguồn nước và chung khu vực sinh thái. Cũng theo Đại sứ, điều quan trọng là Hội thảo đưa ra được các kiến nghị giải pháp, chính sách mang tính cụ thể và khả thi, để trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN.