CÁC MỐC QUAN HỆ  VIỆT N​AM – MYANMAR

Myanmar là một trong những nước có quan hệ hữu nghị sớm nhất với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Myanmar tích cực ủng hộ nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

Năm 1947, ta đặt cơ quan liên lạc đầu tiên tại Yangon. Năm 1948, hai bên nhất trí nâng cấp cơ quan liên lạc thành Văn phòng Thông tin tuyên truyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 12/1957, Chính phủ Myanmar đồng ý nâng cấp Văn phòng Thông tin thành Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Myanmar.

Tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt Nam, ký Tuyên bố chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy "5 nguyên tắc chung sống hòa bình" làm cơ sở quan hệ hai nước. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar, trong Tuyên bố chung, Chính phủ Myanmar khẳng định ủng hộ thi hành Hiệp định Geneva về Đông Dương, ủng hộ việc thống nhất Việt Nam theo Hiệp định Geneva.

Ngày 28/5/1975, hai bên thỏa thuận nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. 

Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với nhau. Hai bên đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau:

Thăm Myanmar có đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1994, 8/2004), Tổng Bí thư Đỗ Mười (5/1997), Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007, 4/2010, 6/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (12/2012), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (7/2013), Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (3/2015), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (3/2015), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (5/2015), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (7/2015), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (tháng 10/2017), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (6/2019)…

Về phía Myanmar, có các chuyến thăm của Thống tướng Than Shwe (3/1995, 3/2003), Thủ tướng Khin Nyunt (8/2004), Thủ tướng Soe Win (4/2005), Thủ tướng Thein Sein (11/2007), Tổng thống Thein Sein (3/2012), Phó Tổng thống Nyan Tun (3/2013), Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann (9/2014), Tổng thống Htin Kyaw (10/2016), Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar (3/2017), Chủ tịch Quốc hội Win Khaing Than (5/2017), Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (4/2018), Tổng thống Win Myint (5/2019)...

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8/2017, hai bên đã ký Tuyên bố chung nhất trí thiết lập quan hệ "Đối tác Hợp tác Toàn diện" giữa hai nước Việt Nam và Myanmar.

Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện sẽ phát huy và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hiện có, hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới cho hợp tác hai bên phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cũng như tôn trọng luật pháp, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.

Theo Tuyên bố chung, mối quan hệ này sẽ làm sâu sắc hơn 5 lĩnh vực hợp tác trụ cột giữa hai nước: i) Quan hệ chính trị; (ii) Hợp tác quốc phòng và an ninh; (iii) Hợp tác kinh tế; (iv) Hợp tác văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực khác cùng quan tâm; (v) Hợp tác khu vực và quốc tế. 

Hai nước tiếp tục thúc đẩy, duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về thương mại, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Tháng 3/2019, hai nước tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam -  Myanmar tại Thủ đô Hà Nội. ​​

Tháng 9/2019, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar đã tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 10 Tiểu ban hỗn hợp thương mại tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 9/2019 tăng hơn 8%. Vốn đầu tư hiện là 2,165 tỉ USD với 25 dự án, xếp thứ 7 trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar kinh doanh và đầu tư đã tăng gấp đôi (từ khoảng 100 doanh nghiệp năm 2016, năm 2019 đã đạt đến con số trên 200 doanh nghiệp hiện diện). Sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar rất đa dạng về hình thức (liên doanh, 100% vốn, văn phòng đại diện, chi nhánh…) và đa dạng về lĩnh vực (xây dựng, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch, dịch vụ hàng hoá, hàng tiêu dùng…). ​

Một số dự án lớn tại Myanmar là Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, chi nhánh BIDV, liên doanh giữa Viettel và các đối tác Myanmar đầu tư cung cấp mạng viễn thông (Mytel) tại Myanmar...

Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương, tổ chức Hội chợ thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. 

Việc Nam và Myanmar có sự phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam (CLMV), hợp tác 5 nước Campuchia – Lào – Myanmar – Thái Lan – Việt Nam (ACMECS), hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS), hợp tác Hành lang Đông – Tây (EWEC)....

 (Tháng 11/2019)

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​